
Ảnh: Lê Thị Nguyệt Linh, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Cần Thơ
Cũng như đa số các đô thị đang phát triển năng động trên thế giới, các thành phố ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức của thế kỷ 21. Ở Cần Thơ, những vấn đề như lũ lụt, mưa lớn và nắng nóng cực đoan, thiếu nước, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, khủng hoảng di cư và suy thoái kinh tế đang trở nên ngày càng nghiêm trọng, phức tạp và khó dự báo. Những thách thức này đã, đang và sẽ gây ra những mối đe doạ đối với cuộc sống người dân, hệ thống cơ sở hạ tầng và các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và tăng cường khả năng chống chịu là hết sức cần thiết. Đây là lý do mà thành phố Cần Thơ quyết định nộp hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình 100 Thành phố có Khả năng chống chịu (100RC) do Quỹ Rockefeller khởi xướng vào năm 2013. Cần Thơ là một trong hai đại diện duy nhất của Việt Nam (cùng với Đà Nẵng) được lựa chọn tham gia chương trình này.
Bắt đầu tham gia chương trình 100RC từ cuối năm 2016, đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, Cần Thơ đã hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch Tăng cường Khả năng chống chịu (KNCC) với sự điều phối của văn phòng Thành phố có KNCC (Vp CRO) và sự hỗ trợ của đối tác chiến lược của chương trình 100RC – tổ chức ISET. Kết quả này đưa Cần Thơ trở thành địa phương đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có một bản kế hoạch tăng cường KNCC. Theo đánh giá của lãnh đạo thành phố, “Kế hoạch này đã cung cấp cách tiếp cận mới, cách suy nghĩ mới, những kiến thức mới để gắn kết người dân và chính quyền thành phố với mục tiêu chung vì thành phố Cần Thơ ngày càng mạnh mẽ hơn trước các cú sốc và áp lực của thế kỷ 21”. Ngày 19 tháng 6 năm 2019 vừa qua, thành phố Cần Thơ đã tổ chức thành công hội thảo công bố Kế hoạch với sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, các hội đoàn thể, đại diện cộng đồng, các chuyên gia và nhà khoa học đến từ các Viện, Trường, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.
Sự hỗ trợ nhiệt tình và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố cũng như mức độ hợp tác toàn diện giữa các bên liên quan bao gồm cả cơ quan nhà nước, hội đoàn thể, cộng đồng, khu vực tư nhân và các chuyên gia, nhà nghiên cứu thực sự là một điểm nhấn quan trọng và nổi bật của quá trình xây dựng Kế hoạch này. Nói một cách cụ thể, Kế hoạch này được hoàn thành dựa vào quá trình hợp tác chặt chẽ, làm việc cùng nhau, sự tham gia chủ động, xuyên suốt của các bên liên quan ở địa phương trong gần 2 năm chứ không phải là sản phẩm của một cá nhân, tổ chức nào. Tiếp cận này thể hiện rõ quan điểm “làm việc cùng nhau để phát huy tối đa mọi nguồn lực” mà Phó chủ tịch thường trực thành phố Đào Anh Dũng đã nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc hội thảo.
Bản kế hoạch nêu rõ những cú sốc, áp lực và thách thức, hạn chế về khả năng chống chịu, các mục đích và hành động ưu tiên để tăng cường khả năng chống chịu cho thành phố ở 4 lĩnh vực: Lãnh đạo và Chính sách, Hạ tầng và Môi trường, Kinh tế – Xã hội và Phúc lợi và Sức khỏe. Điều đáng lưu ý là, đa số các hành động đề xuất trong kế hoạch đều được xác định trên cơ sở làm việc, trao đổi và thống nhất với các cơ quan, ban, ngành, địa phương tại thành phố và được tích hợp với các chương trình, dự án đang và sẽ triển khai của thành phố. Trong số này, Văn phòng CRO và ISET đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan xây dựng được 8 đề xuất dự án chi tiết và xin tài trợ thành công cho 2 đề xuất. Cả hai đề xuất này đều liên quan đến việc tăng cường KNCC cho thành phố thông qua các giải pháp hạ tầng xanh trong đó dự án áp dụng tiếp cận hạ tầng xanh trong thiết kế và xây dựng công viên ven Rạch Ngỗng, khu tái định cư Thới Nhựt 2, phường An Khánh đã được thành phố phê duyệt và cấp kinh phí để triển khai. Những kết quả ban đầu đáng khích lệ này sẽ là tiền đề cho quá trình triển khai Kế hoạch tăng cường KNCC của thành phố Cần Thơ.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch thành phố Đào Anh Dũng, đây mới chỉ là bước khởi đầu của một chặng đường dài mà thành phố và người dân Cần Thơ cần tiếp tục dấn bước. Để Kế hoạch này thực sự đi vào cuộc sống, thành phố, người dân và các bên liên quan ở địa phương cần tiếp tục hợp tác và nỗ lực hơn nữa hướng tới tầm nhìn xây dựng Cần Thơ thành một thành phố sông nước, xanh, bền vững, năng động và hội nhập, nơi người dân có cuộc sống sung túc và an toàn trước những cú sốc, áp lực và không ai bị bỏ lại phía sau.
Phiên bản điện tự Kế hoạch Xây dựng Khả năng Chống chịu của thành phố Cần Thơ đến năm 2030:
Thơ Nguyễn & Toàn Vũ, ISET-Việt Nam