Tại hội thảo cuối kỳ dự án về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng giữa tháng 6 này ở Hội An, những người tham dự không hề có ấn tượng rằng đây là một sự kiện cuối cùng hay khép lại, như thường thấy ở hội thảo cuối kỳ các dự án nói chung. Thay vào đó, các đại biểu vẫn tiếp tục bị cuốn vào những thảo luận, đôi khi rất gay gắt, về những vấn đề phức tạp cần giải quyết ở lưu vực sông liên tỉnh này, từ quản lý lũ lụt, quản lý hạn hán, quản lý chất lượng nước đến quản lý sạt lở bờ sông, và nhiều vấn đề khác nữa.

Toàn cảnh Hội thảo Chia sẻ – Học hỏi – Đối thoại ngày 15/6/2018. Ảnh: Thơ Nguyễn, ISET-Việt Nam
Là sự kiện cuối cùng trong chuỗi các hội thảo Chia sẻ – Học hỏi – Đối thoại (SLD) của dự án do Chương trình Đối tác Chống chịu (GRP) tài trợ và do ISET phụ trách chính về kỹ thuật, hội thảo có sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Lê Trí Thanh, và sự than gia của hơn 70 đại biểu gồm các tổ chức và cá nhân liên quan, từ các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học ở cấp quốc gia đến địa phương đến các đại diện cộng đồng và các tổ chức tài trợ. Các sự kiện SLD đã góp phần mang đến một diễn đàn để Ban Điều phối Lưu vực sông liên tỉnh của Quảng Nam và Đà Nẵng cùng làm việc về những vấn đề mang tính liên vùng còn tồn tại trong công tác quản lý lưu vực sông này. Dựa trên các thảo luận và kết quả phân tích tại các sự kiện SLD trước đó, hội thảo đã đào sâu xem xét các chủ đề sau:
- Tính cấp thiết của việc có được một đánh giá tổng thể để phục vụ công tác quản lý tổng hợp lưu vực sông.
- Các bất cập trong quy chế hiện hành về vận hành liên hồ chứa trên lưu vực Vu Gia – Thu Bồn (theo Quyết định 1537/QD-TTg), và các đề xuất về điều chỉnh quy chế này giúp quản lý tốt hơn tình trạng lũ lụt và hạn hán ở hạ du.
- Các tác động của hiện tượng sạt lở bờ sông ở khu vực miền núi và yêu cầu nghiên cứu rõ hơn về vấn đề này.
Các thảo luận sôi nổi sau các bài trình bày về những chủ đề trên có thể khiến người nghe có cảm giác choáng ngợp trước sự phức tạp về kỹ thuật và thực tiễn của các vấn đề, cũng như trước bề rộng và bề sâu của những kiến thức và quan điểm mà các đại biểu nhiều bên mang đến với bàn hội thảo. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy một không khí chung của sự cởi mở trong các quan điểm và ý tưởng, cũng như sự háo hức của các đại biểu muốn tham gia đóng góp vào quá trình vạch ra những hướng đi mới nhằm giải quyết các vấn đề hiện hữu và mang lại lợi ích cho cả hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, cho cả khu vực miền núi và hạ du, và cho sự bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội trên toàn thể lưu vực sông.

Bản đồ các tiểu lưu vực trong hệ thống Vu Gia – Thu Bồn. Nguồn: Nhóm chuyên gia địa phương
Bên cạnh đó, hội thảo cũng là một cơ hội để nhìn lại toàn bộ quá trình dự án cũng như nỗ lực của nó trong việc đem đến một diễn đàn cho hoạt động của Ban điều phối Lưu vực sông, từ đó rút ra bài học và đưa ra các khuyến nghị liên quan. TS. Karen MacClune, GĐ Điều hành của ISET-Quốc tế, đánh giá cao thành công của dự án trong việc tăng cường sự phối hợp giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trong một năm rưỡi vừa qua. Với những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cả hai tỉnh, Quảng Nam và Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường các nỗ lực hợp tác sau khi dự án kết thúc. Bà cũng nhấn mạnh vào sự hiệu quả của phương pháp Chia sẻ – Học hỏi – Đối thoại trong việc tập hợp các bên liên quan khác nhau và tạo điều kiện cho quá trình chia sẻ kiến thức và xây dựng lòng tin giữa các bên, cũng như sự cần thiết có sự tham gia của các cộng đồng địa phương trong toàn bộ quá trình đó. Những câu chuyện của các đại diện cộng đồng tại diễn đàn liên lĩnh đã giúp các thành viên Ban Điều phối thấy được những bất cập hiện nay trong các chính sách và trong hệ thống cảnh báo lũ sớm. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải thể chế hoá sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động của các BĐP lưu vực sông.

Cụm loa báo lũ đặt tại khu vực trung tâm xã Đại Hồng (Đại Lộc, Quảng Nam), đã được dời đến địa điểm phù hợp hơn, theo đề xuất của cộng đồng. Ảnh: Thanh Ngô, ISET-Việt Nam
TS. MacClune còn nhấn mạnh rằng các hoạt động BĐP cần hướng tới một cái nhìn mang tính chiến lược và dài hạn hơn, và cần có được thẩm quyền cao hơn nhằm đưa các kế hoạch và đề xuất vào thực tiễn. Hội thảo còn cho thấy rất nhiều cơ hội đã mở ra để đưa các bài học này vào các hành động và chính sách liên quan ở cấp quốc gia. Đặc biệt, bà Trần Thị Lệ Anh, đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã chia sẻ kế hoạch của bộ về một dự án mới do GEF/UNDP tài trợ nhằm hỗ trợ hoạt động của BĐP đến năm 2024, cũng như về chính sách và kế hoạch quốc gia về thành lập các BĐP cho tất cả các lưu vực sông lớn ở Việt Nam. Với sự duy trì của cơ chế diễn đàn đối thoại liên tỉnh này, các đại biểu tham dự đều hy vọng sẽ sớm gặp lại nhau để tiếp tục hợp tác, chia sẻ nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại của lưu vực sông.
Nguyễn Anh Thơ, ISET-Việt Nam