Đầu tháng 11 năm 2017, bão số 12 (bão Damrey) kèm theo gió cấp 12, giật cấp 15 và mưa lớn đổ bộ vào khu vực miền Trung Việt Nam. Trong nhiều ngày liên tiếp, do lo ngại mực nước dâng cao ảnh hưởng tới an toàn đập, hàng loạt các hồ chứa thuỷ điện đã mở cửa xả lũ gây ngập trên diện rộng ở hạ lưu.

Thành phố Hội An ngập chìm trong lũ trước tuần lễ APEC năm 2017. Ảnh: Vietnamnet http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/apec-2017/apec-2017-hoi-an-truoc-gio-don-phu-nhan-phu-quan-lanh-dao-apec-409361.html
Vào thời điểm đó, thành phố Đà Nẵng đang hối hả chuẩn bị cho tuần lễ cấp cao các nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 6-11/11/2017, và thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam cũng được chọn là địa điểm thăm quan của đoàn phu nhân và phu quân các trưởng đoàn kinh tế, Bộ trưởng và trưởng cơ quan đại diện các nền kinh tế APEC vào ngày 7/11/2017. Tuy không nằm trong khu vực tâm bão Damrey, cả hai địa phương này vẫn phải chịu những tác động rất nặng nề[1]. Việc xả lũ ở các hồ thủy điện Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Sông Bung 4[2] khiến nước sông sông Thu Bồn và Vu Gia dâng cao, gây ngập nhiều khu vực thấp trũng của Đà Nẵng và Quảng Nam, trong đó nặng nhất là khu vực quận Hoà Vang của thành phố Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Điện Bàn và thành phố Hội An của tỉnh Quảng Nam.
Theo thông tin người dân ở xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang cung cấp, đợt lũ lụt do bão Damrey gây ra năm 2017 là đặc biệt nghiêm trọng, một số cột mốc báo lũ trong xã ghi nhận mực lũ cao hơn so với đợt lũ lịch sử năm 1999, một phần do thay đổi về địa hình với việc xây dựng và nâng cấp các tuyến đường vanh đai và đường quốc lộ trên địa bàn (như đường ĐT406, ĐT08, và QL14B).
Việc xảy ra ngay trước tuần lễ APEC đã làm nổi rõ những ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai, lũ lụt đến mọi mặt trong đời sống kinh tế xã hội của Quảng Nam và Đà Nẵng. Nhưng không chỉ có trong đợt bão Damrey năm 2017, mà rất nhiều năm, tác động của các đợt mưa bão, lũ lụt và hạn hán đang trở nên ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sự an toàn tính mạng cũng như sức khỏe của người dân. Hơn thế nữa, trong những năm gần đây, lũ lụt và hạn hán không còn đơn thuần là những hiện tượng tự nhiên mà ngày càng mang dấu ấn đậm nét bởi các hoạt động của con người, cụ thể là việc xây dựng và quản lý hệ thống bậc thang các hồ chứa thuỷ điện và công trình thuỷ lợi trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, cũng như các công trình hạ tầng khác trong lưu vực. Là một hệ thống sông liên tỉnh, bắt nguồn từ vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam và đổ ra biển ở các cửa sông ở cả Quảng Nam và Đà Nẵng, việc quản lý cân bằng nước trên lưu vực sông này trong bối cảnh của hệ thống công trình nhân tạo từ thượng nguồn tới hạ du là một bài toán đa ẩn số hóc búa cho cả hai địa phương, đặc biệt trong bối cảnh những diễn biến khó lường của mưa bão do biến đổi khí hậu.
Hội thảo Chia sẻ – Học hỏi – Đối thoại lần thứ 5 của Ban điều phối liên tỉnh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, tổ chức vào ngày 25/5/2018 do ông Hồ Kỳ Minh, PCT UBND thành phố Đà Nẵng chủ trì, tập trung vào vấn đề điều tiết tỷ lệ phân lưu của sông Cái Vu Gia ra nhánh sông Quảng Huế (đổ vào sông Thu Bồn). Theo chuyên gia Hoàng Thanh Hoà (PGDD Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng), trận lũ lịch sử năm 1999 đã gây ra hiện tượng cắt dòng sông Quảng Huế (tạo lạch Quảng Huế mới đưa nước thẳng từ sông Vu Gia ra sông Thu Bồn gây lũ lụt và sạt lở ở hạ lưu sông này, và lấp dần sông Quảng Huế vào mùa cạn, làm giảm đáng kể lượng nước chảy về sông Vu Gia). Thêm vào đó, từ năm 2010 khi nhà máy thuỷ điện Đăk My 4 bắt đầu hoạt động ở thượng nguồn, gần một nửa lưu lượng mùa khô của sông Vu Gia cũng bị chuyển về sông Thu Bồn để phát điện, gây ra tình trạng thiếu nước và nhiễm mặn nghiêm trọng ở hạ lưu sông Vu Gia (gồm các huyện Đại Lộc và Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam và đặc biệt là khu vực thành phố Đà Nẵng).

Ông Trần Văn Giải Phóng, Chuyên gia Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET) phát biểu tại hội thảo. Đây là hội thảo thứ 5 trong chuỗi hội thảo của Ban điều phối Liên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, trong khuôn khổ dự án về Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn do ISET thực hiện với sự tài trợ của chương trình Đối tác Chống chịu Toàn cầu (GRP). Ảnh: Ngô Phương Thanh, ISET 2018
Xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam và xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang của thành phố Đà Nẵng là những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trong mùa khô do các hoạt động thuỷ điện và thuỷ lợi kể trên ở thượng nguồn. Điển hình, báo cáo đánh giá tác động của Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam[3] ghi nhận, vào mùa khô năm 2016 tại xã Đại Hồng, khoảng cách từ bờ sông Vu Gia ra mép nước tại điểm khảo sát đã lên tới 200 m và mực nước giảm 1,85 m so với trước khi có thủy điện.

Đo biến động mép nước và mực nước sông tại bến đò 14, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Ảnh: CVN 2017
Việc vận hành xả lũ của các thuỷ điện vào mùa mưa còn gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông, ngập lụt dâng cao và bồi lấp cát trên đồng ruộng, gây thiệt hại to lớn về đất đai, nhà cửa và các hoạt động sản xuất ở cả hai xã Đại Hồng và Hoà Khương. Người dân tại thôn La Châu, xã Hoà Khương chia sẻ, lũ năm 2017 gây ngập 90% diện tích thôn này, và tuy không gây thiệt hại về người và xảy ra sau khi người dân đã thu hoạch xong các diện tích trồng lúa, nhưng nhiều hộ dân trong thôn vẫn chịu thiệt hại lớn do nước tràn vào nhà làm ướt thóc lúa đã thu hoạch, làm chết heo gà, và hư hỏng hoàn toàn các cột trồng nấm.

Người dân ở xã Hoà Khương, thành phố Đà Nẵng chia sẻ về những thiệt hại do thiên tai và vận hành các hồ chứa thuỷ điện gây ra cho cuộc sống và sinh kế tại địa phương. Ảnh: Ngô Phương Thanh, ISET 2018
Nhằm giải quyết vấn đề về chia nước tại sông Quảng Huế nêu trên, từ năm 2002, Bộ NN&PTNT đã xây dựng hoặc lập kế hoạch xây dựng một số công trình như đập mềm, đập hoành triệt, đập khoá, và lấp lạch Quảng Huế mới, nhằm mục đích đưa tỷ lệ phân lưu ra nhánh sông Quảng Huế về mức trước năm 1999 (tức là giảm xuống còn khoảng 20%). Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình gặp nhiều khó khăn do lũ lụt, và các đại biểu tham dự hội thảo cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tính hiệu quả, mức độ khả thi và đặc biệt là những hệ luỵ không mà những công trình này có thể gây ra đối với chế độ thuỷ văn và môi trường trên địa bàn và trong vùng lưu vực.
Đại diện cho tỉnh Quảng Nam, bà Lê Thị Tuyết Hạnh PGĐ Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cũng nhấn mạnh rằng cần có những nghiên cứu mang tính tổng thể, bao trùm nhiều lĩnh vực, với dãy số liệu trên phạm vi toàn lưu vực trong thời gian đủ dài, để có thể đưa ra những đánh giá cụ thể về hiện trạng thuỷ văn, dòng chảy và tác động của các biện pháp can thiệp, từ đó đưa ra những giải pháp giúp hài hoà lợi ích cho cả hai địa phương.
Những ‘giải pháp hài hoà’ cho bài toán cân bằng nước là điều mà người dân cả hai địa phương đều mong muốn, vì nó sẽ có tác động trực tiếp đến đời sống và sinh kế của họ. Đưa ra lời giải thích đáng cho bài toán này đòi hỏi phải có những thông tin toàn diện, đa chiều, bao gồm cả các số liệu tính toán khoa học lẫn những thông tin thực tế từ người dân ở những địa bàn bị tác động, thêm vào đó là cơ chế chia sẻ thông tin minh bạch và nỗ lực hợp tác chặt chẽ, thiện chí của các bên liên quan ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Thơ Nguyễn, ISET-Việt Nam
—
[1] Tính đến ngày 16/11/2017, tỉnh Quảng Nam có 36 người chết và 1 người mất tích do bão Damrey. Nguồn: https://news.zing.vn/quang-nam-thiet-hai-1500-ty-do-mua-lu-va-sat-lo-post796570.html
[2] Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết đỉnh điểm các thủy điện đã xả lũ là lúc 21 giờ tối 4-11. Cụ thể, thủy điện Sông Bung 4 xả lũ về sông Vu Gia với lưu lượng 4.270 m3/giây (so với 12 giờ trưa cùng ngày chỉ 1.658 m3/giây), thủy điện Sông Tranh 2 xả về sông Thu Bồn 2.198 m3/giây (12 giờ trưa cùng ngày chỉ 305 m3/giây), thủy điện Đăk Mi 4 xả qua tràn 3.349 m3/giây (1.416 m3/giây). Nguồn: http://plo.vn/thoi-su/hoi-an-va-vung-trung-da-nang-ngap-chim-trong-lu-737631.html
[3] Báo cáo đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương với lũ lụt và hạn hán của cộng đồng sinh sống ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn ở Quảng Nam và Đà Nẵng, tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, tháng 12/2017.