Nguyễn Thị Yến, CARE Quốc tế tại Việt Nam
Sau khi hội thảo Chia sẻ-Học hỏi-Đối thoại (SLD) lần thứ ba vào tháng 9-2017, vào ngày 19-1-2018 tại Điện Bàn (Quảng Nam), ISET, Ban Điều phối Quản lý Tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam tiếp tục tổ chức hội thảo lần thứ 4 (SLD4).

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hữu Thía, CARE Quốc tế tại Việt Nam
Tại Hội thảo lần trước, CARE và đại diện cộng đồng đã trình bày đánh giá rủi ro tại cộng đồng với lũ lụt và hạn hán, đặc biệt vấn đề liên quan đến cảnh báo sớm và điều tiết của các thủy điện. Các đợt bão lũ vừa qua cũng cho thấy tầm quan trọng của những vấn đề này. Do vậy, trong hội thảo SLD4 lần này, chủ đề được chọn là Cảnh báo lũ sớm và điều tiết nước của các thuỷ điện – Góc nhìn của cộng đồng. Thông qua đó, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo xả lũ với sự tham gia của Ban quản lý hồ chứa thủy điện, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan phòng chống thiên tai các cấp và đại diện cộng đồng tại các xã khảo sát/bị ảnh hưởng. Các nội dung cụ thể được thảo luận bao gồm: kênh thông báo, thời gian báo trước tối đa, nội dung thông báo, công tác tuyên truyền về kế hoạch xả lũ hàng năm và vai trò các bên.
Theo ông Lê Trí Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tiếng nói người dân rất quan trọng vì họ là người chịu tác động trực tiếp của vấn đề lũ lụt và hạn hán. Đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND thành phố – cũng chia sẻ quan điểm này, và cho biết về mặt chủ trương xã hội hóa, các công ty thủy điện cần tăng cường vai trò, hiệu quả truyền tin đến cộng đồng. “Thông tin xả lũ thủy điện hiện nay vẫn chưa dễ hiểu, ngay đối với cán bộ chứ chưa nói đến người dân” – ông Minh nói.
Những phát biểu này của lãnh đạo hai địa phương đã nêu lên bức tranh chung về vai trò của việc thông tin lũ sớm cho cộng đồng dân cư hạ lưu của lưu vực Vu Gia –Thu Bồn về kế hoạch xả lũ, điều tiết nước của thủy điện. Đại diện cho cộng đồng tham gia hội thảo, bà Phan Thị Mỹ Nữ, thôn La Châu, xã Hòa Khương, Đà Nẵng cũng khẳng định dù cộng đồng có nhận được thông tin, nhưng thiệt hại về tài sản, vật nuôi và hoa màu vẫn nhiều do nước đập xả xuống vào ban đêm, đẩy người dân vào tình thế bị động. “Thông tin lại không cụ thể rõ ràng là xả bao nhiêu, mức độ ngập thế nào nên người dân không biết ứng phó thế nào và vẫn còn chủ quan” – bà Nữ chia sẻ.

Đại diện cộng đồng chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hữu Thía, CARE Quốc tế tại Việt Nam
Theo trình bày của Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) của Đà Nẵng và Quảng Nam tại hội thảo, các chủ hồ thủy điện, chính quyền địa phương đã phối hợp nhiều biện pháp nhằm truyền tin cảnh báo thiên tai đến cộng đồng. Ví dụ, ở Quảng Nam là thông qua văn bản, loa, qua đài phát thanh, gặp mặt đối thoại trực tiếp, xây dựng bản đồ ngập lụt, cập nhật thông tin lên website của tỉnh, …; ở Đà Nẵng, ngoài các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, đài phát thanh, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN còn gửi tin nhắn điện thoại đến cán bộ lãnh đạo chính quyền các cấp, ngành. Để tiếp tục cải thiện hiệu quả của công tác cảnh báo sớm, Ban chỉ huy PCTT và TKCN của Đà Nẵng đề xuất tăng cường sử dụng các kênh truyền tin qua mạng xã hội như Facebook, Zalo và đề nghị các nhà máy thủy điện thượng nguồn Vu Gia-Thu Bồn cung cấp số liệu thực đo mực nước, lượng mưa, tình hình xả lũ qua tin nhắn điện thoại cho người dân thành phố Đà Nẵng ở hạ du.
Tại Hội thảo, CARE đã trình bày tình hình cảnh báo sớm hiện nay từ mưa lụt và xả lũ thủy điện tại 5 xã khảo sát, các thách thức và các khoảng cách, lỗ hổng trong công tác quản lý và hệ thống cảnh báo sớm của tất cả các bên vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của cộng đồng về cảnh báo sớm: mức độ kịp thời, kênh thông tin, nội dung thông tin, phương tiện thông tin. CARE cũng đề xuất kiến nghị cho các bên thủy điện, chính quyền các cấp, đài khí tượng thủy văn và Ban điều phối liên tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả công tác cảnh báo để cộng đồng, đặc biệt nhóm dễ bị tổn thương trong đó có phụ nữ tiếp cận thông tin cảnh báo kịp thời và dễ hiểu, giúp họ ứng phó hiệu quả hơn với lũ lụt và hạn hán ngày càng khó lường tại Quảng Nam và Đà Nẵng.
Ông Minh và ông Thanh thống nhất kết luận Hội thảo cũng cho biết ưu tiên của Đà Nẵng và Quảng Nam trong thời gian tới sẽ là nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và phòng chống cho hạ du, phối hợp đánh giá và xây dựng bản đồ ngập lụt cho các huyện Điện Bàn, Đại Lộc (Quảng Nam) và Hòa Vang (Đà Nẵng), bổ sung thêm 2 trạm quan trắc lớn và một số trạm vừa và nhỏ, huy động viễn thông công ích vào cảnh báo và phối hợp với các tổ chức quốc tế để xây dựng bản tin đến cán bộ phòng chống thiên tai và đến người dân. Bên cạnh đó nâng cao ý thức cho cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai cũng sẽ được chú trọng.
Loạt hội thảo Chia sẻ-Học hỏi-Đối thoại thuộc dự án Hỗ trợ xây dựng thể chế liên tỉnh để nâng cao khả năng chống chịu ở lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn cho Quảng Nam và Đà Nẵng, do Global Resilience Partnership tài trợ. Dự án do ISET quản lý, phối hợp với Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt nam triển khai từ đầu năm 2017 nhằm hỗ trợ phân tích và thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan theo cách tiếp cận tổng hợp lưu vực sông nhằm giảm rủi ro thiệt hại do ngập lụt trong khu vực.