Bài học từ những cơn lũ quét

DCIM100MEDIADJI_0063.JPG

Thị trấn Mù Cang Chải nham nhở sau cơn lũ quét. Ảnh: VietNamNet

Những thiệt hại to lớn

Trong các tháng mùa mưa vừa qua ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất liên tiếp diễn ra, gây những thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Mặc dù mùa mưa ở miền Bắc vẫn còn chưa kết thúc, đã có tới hơn 90 người bị thương vong và mất tích, và thiệt hại về tài sản như làm sạt lở, cuốn trôi và vùi lấp nhà cửa, công trình thuỷ lợi, giao thông và cấp điện, cây trồng vật nuôi… ước tính tổng giá trị có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, tình trạng mưa lớn đã diễn ra liên tiếp tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Giang, Hoà Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn) từ đầu tháng 6/2017 và cho đến tận thời điểm này (cuối tháng 8//2017) vẫn tiếp tục có thông tin dự báo về những đợt mưa lớn tiếp theo. Điển hình về những đợt mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng nhất là đợt mưa giữa tháng 6 (từ 16-20/6) làm một người chết tại Hà Giang[i], đợt mưa đầu tháng 7 (từ 6-9/7) làm tổng cộng 13 người chết và một người mất tích tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Điện Biên và Hoà Bình[ii], sạt lở hàng chục nghìn mét khối đất đá tại các địa phương này, đợt mưa đầu tháng 8 (từ 1-6/8) làm 26 người chết 15 người mất tích và 27 người bị thương tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Yên Bái và Cao Bằng[iii], và gần đây nhất là mưa lớn lũ quét và sạt lở từ 13-14/8 làm 4 người chết và mất tích tại hai tỉnh Bắc Kạn và Lào Cai[iv].

Nguyên nhân do đâu?

Giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm là những tháng mùa mưa tại các tình miền núi phía Bắc. Tình hình mưa lũ năm 2017 được đánh giá là bất thường và nghiêm trọng nhất trong lịch sử 70 năm qua ở một số địa phương, với tổng lượng mưa từ 100-180 mm[v], có nơi lên tới 250 mm[vi] liên tiếp trong thời gian dài, khiến cho hàng loạt thôn xã, đặc biệt là tại các tỉnh Sơn La và Yên Bái, bị cô lập[vii]. Chỉ riêng trong tháng 7, có 22/28 trạm quan trắc ở khu vực miền núi phía Bắc ghi nhận tổng lượng mưa tháng vượt giá trị trung bình nhiều năm[viii].

Theo nhận định của chuyên gia tại Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, lũ quét và sạt lở đất diễn biến nghiêm trọng là do mưa lớn kéo dài, khiến ở nhiều nơi mặt đất đã “no” nước, không có khả năng thấm hút thêm. Đồng thời, địa hình núi cao với độ dốc lớn và sự tàn phá của thảm phủ thực vật cũng là nguyên nhân góp phần làm gia tăng tốc độ và cường độ dòng chảy vào các sông suối[ix].

Tại địa bàn huyện Mường La (Lai Châu), nhận định ban đầu cho thấy việc đất đá và vật liệu bị cuốn theo dòng chảy từ phía thượng nguồn bị chặn lại bởi các công trình dân sinh hay bởi địa hình tự nhiên của khu vực đã gây ra hiện tượng nghẽn dòng, tạo ra những khối nước lớn bị ứ lại phía thượng nguồn, có khi lên tới hàng triệu mét khối và khi những khối nước này vỡ ra, kéo theo đất đá, nó tạo ra sức tàn phá vô cùng lớn, vùi lấp và cuốn phăng mọi thứ trên đường đi[x]. Sự bất ngờ và dữ dội của dòng lũ chính đã gây thiệt hại lớn về người và của tại địa phương này.

Sự suy giảm của thảm phủ thực vật ở các khu vực này là một nguyên nhân làm tăng sự cuốn trôi của đất đá. Sự suy giảm này diễn ra do tình trạng phá rừng, hoạt động khai thác khoáng sản, phát triển nông nghiệp, và việc xây dựng các công trình thuỷ điện trên các dòng sông. Đồng thời, mưa lớn trong thời gian dài dẫn đến mực nước trong các hồ thuỷ điện tăng cao, khiến các hồ thuỷ điện phải xả lũ để tránh nguy cơ mất an toàn công trình. Cuối tháng 7/2017, trước tình trạng mực nước hồ gia tăng và dự đoán mưa lớn ở thượng nguồn, hồ thuỷ điện Hoà Bình đã mở đồng thời ba cửa xả, các hồ thuỷ điện Tuyên Quang và Sơn La mỗi hồ mở một cửa xả. Đến ngày 18/8 mới đây, bốn hồ thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La, Tuyên Quang và Thác Bà cũng đồng loạt mở cửa xả lũ (riêng với hồ Hoà Bình đây là cửa xả thứ hai—cửa xả thứ nhất đã mở vào ngày 11/8)[xi]. Việc xả lũ các hồ thuỷ điện khiến mực nước lũ trên các sông suối ở các tỉnh miền núi phía Bắc ngày càng lên cao, làm tăng nguy cơ và sức tàn phá của lũ quét và sạt lở đất, đồng thời gây thiệt hại đến hàng trăm tấn cá lồng bè của người dân do sặc bùn và thiếu oxy, với ước tính giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.

Một nguyên nhân làm gia tăng thiệt hại về người và và tài sản trong đợt lũ này là sự thiếu chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, lũ lụt tại địa phương. Kinh nghiệm nhiều năm đã cho thấy, các tỉnh miền núi phía Bắc đều là những địa phương có nguy cơ cao về xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Tuy nhiên, các địa phương vẫn chưa thực sự chủ động trong công tác đánh giá rủi ro thiên tai, đặc biệt là việc lập bản đồ nguy cơ, xác định các khu vực nguy hiểm như các khu vực ven sông, ven suối, cũng như trong công tác cảnh báo và di dời người dân đến sinh sống ở những nơi an toàn hơn. Do vậy, vẫn còn tình trạng người dân sống ở những khu vực thấp trũng ven sông suối, hoặc tình trạng xây dựng tự phát các công trình, nhà ở ở những khu vực nguy hiểm, hoặc không nhận được thông tin kịp thời để tránh lũ[xii], [xiii].

Cần phải làm gì?

Những thiệt hại to lớn này của lũ lụt và sạt lở đất, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng con người, là cái giá quá đắt mà chúng ta đã phải trả (và sẽ tiếp tục phải trả) cho những hành động hay sự thiếu hành động của mình. Đáng tiếc hơn, ‘chúng ta’ ở vế trước và vế sau quá nhiều khi lại không phải là cùng một người hay một nhóm người. Ngoài những hành động trợ giúp và ứng cứu khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, có những việc cần làm để phòng tránh và giảm thiểu sự tái diễn của những thiệt hại đáng tiếc này.

Trước tiên, để kịp thời ứng phó với hiểm hoạ lũ quét và sạt lở đất, các địa phương cần xây dựng một hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm về lũ lụt và sạt lở, trong đó thống nhất cơ chế cảnh báo (biển cảnh báo, mõ/kẻng, loa, đài, tin nhắn SMS…) cho phù hợp với từng khu dân cư cho người dân để nắm chắc thông tin và ứng phó kịp thời; hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp an toàn, phòng tránh và ứng phó với lũ lụt và sạt lở theo từng kịch bản cảnh báo.

Để việc cảnh báo thông tin và ứng phó được kịp thời và hiệu quả hơn, các địa phương cần huy động sự tham gia của người dân địa phương vào công tác xây dựng mô hình dự báo, cập nhật số liệu đánh giá rủi ro lũ lụt và sạt lở, vẽ bản đồ nguy cơ và bản đồ tuyến đường sơ tán an toàn cho từng địa phương, và bố trí tái định cư và ổn định sinh kế cho người dân đang sinh sống ở các khu vực có nguy cơ cao.

Về lâu về dài, cần xây dựng một bản kế hoạch hành động tổng thể nhằm chuẩn bị và ứng phó với các tác động ngày càng gia tăng của thiên tai gây ra bởi tác động của các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, cũng như tác động của quá trình phát triển. Kế hoạch cần có sự đánh giá và cân nhắc nghiêm túc về những lợi ích trước mắt của phát triển kinh tế với những hậu quả của nó đối với môi trường và an sinh xã hội. Một phần quan trọng của bản kế hoạch này đối với các tỉnh miền núi phía Bắc là việc đẩy mạnh công tác kiểm kê, phân loại và khoanh vùng lại các khu vực rừng cần quản lý, bảo vệ; xây dựng các chương trình và cơ chế bảo vệ rừng và phục hồi rừng; quy hoạch lại các hoạt động khai thác khoáng sản, nông nghiệp và xây dựng để tránh xâm phạm vào diện tích rừng trọng yếu, đặc biệt là các khu vực ven sông suối, giúp giảm nguy cơ sạt lở đất khi có mưa lớn xảy ra. Thêm vào đó, cũng cần xem xét lại quy hoạch thuỷ điện, và đặt ra các quy định chặt chẽ hơn về cơ chế vận hành của các nhà máy thuỷ điện ở thượng nguồn, tránh những thiệt hại đáng tiếc về người và của trong tương lai.

Để thực hiện được những hành động này, các địa phương cần có sự hỗ trợ về chính sách và nguồn lực, cũng như cần có sự chủ động của chính quyền và người dân. Đồng thời, có những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút từ các địa phương khác, chẳng hạn như về việc huy động sự tham gia của người dân vào công tác đánh giá, cảnh báo sớm và ứng phó với lũ lụt, việc xây dựng mô hình mô phỏng lũ lụt và quy hoạch phát triển, việc đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, trong đó có bản Kế hoạch hành động của thành phố Lào Cai. Những kinh nghiệm và bài học này cũng là một nguồn lực hữu ích cho các địa phương trong công tác quản lý rủi ro thiên tai trong bối cảnh BĐKH.

Thơ Nguyễn, ISET


[i] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170617/mien-nui-phia-bac-mua-lon-1-nguoi-chet/1333311.html

[ii] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/14-nguoi-chet-mat-tich-do-mua-lu-o-mien-nui-phia-bac-1166608.tpo

[iii] http://bnews.vn/mua-lu-o-cac-tinh-phia-bac-68-nguoi-thuong-vong-va-mat-tich-thiet-hai-hon-940-ty-dong/53205.html

[iv] http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/xa-hoi/mua-lu-tiep-tuc-gay-thiet-hai-tai-mien-nui-phia-bac-214549.html

[v] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170807/vung-nui-phia-bac-hung-chiu-dot-mua-dai-45-ngay/1364881.html

[vi] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/son-la-lai-hung-chiu-dot-lu-moi-3627871.html

[vii] http://kinhtedothi.vn/thiet-hai-nang-ne-sau-lu-quet-lich-su-294636.html

[viii] http://us.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/vi-sao-yen-bai-son-la-bi-lu-quet-kinh-hoang-c46a894433.html

[ix] http://us.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/vi-sao-yen-bai-son-la-bi-lu-quet-kinh-hoang-c46a894433.html

[x] http://sonlatv.vn/tin-tuc-n7333/nguyen-nhan-gay-ra-lu-quet-tren-dia-ban-huyen-muong-la.html

[xi] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/4-thuy-dien-mien-bac-dong-loat-xa-lu-393412.html

[xii] http://bnews.vn/do-dau-khien-thiet-hai-do-lu-quet-o-mu-cang-chai-them-nang-ne-/53542.html

[xiii] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/de-khong-phai-chung-kien-nguoi-chet-do-lu-quet-lo-dat-388878.html

This entry was posted in Climate Change, disaster risk reduction, Extreme weather, flood management, Vietnamese / Tiếng Việt and tagged , , , . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s