
Trước một căn nhà chống bão ở Đà Nẵng. Nguồn: ISET
Cán bộ chính quyền các địa phương đã chia sẻ bài học kinh nghiệm về xây dựng khả năng chống chịu với BĐKH tại một hội thảo có sự tham dự của các bộ ngành, chính quyền các thành phố, những tổ chức tiên phong tại các địa phương, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia, trong khuôn khổ chương trình Các thành phố Châu Á có Khả năng Chống chịu với Biến đổi Khí hậu (ACCCRN).
Hà Nội ngày 24/11/2016 – Các thành phố của Việt Nam đang đi tiên phong trong công tác ứng phó với BĐKH, thực hiện một loại các biện pháp nhằm giảm thiểu các rủi ro thiên tai trong tương lai do BĐKH gây ra. Đây là thông điệp được chia sẻ trong một hội thảo quốc tế tại Hà Nội, do Viện Chuyển đổi Môi Trường và Xã hội (ISET), đơn vị điều phối cấp quốc gia của Chương trình Mạng lưới các Thành phố Châu Á có Khả năng Chống chịu với BĐKH (ACCCRN) tại Việt Nam tổ chức.
Việt Nam là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước các tác động của BĐKH, do có đường bờ biển dài và nhiều khu vực đồng bằng duyên hải và châu thổ trũng thấp. BĐKH sẽ có thể gây ra nhiều hiện tượng cực đoan hơn liên quan đến lượng mưa, bão lũ và hạn hán ở các thành phố của Việt Nam. Đặc biệt là ở các khu vực ven biển, các đô thị Việt Nam đang phát triển và mở rộng nhanh chóng, khiến cho càng nhiều người dân, cơ sở hạ tầng và đầu tư kinh tế phải đối mặt với những rủi ro tác động của các hiện tượng cực đoan này.
Năm 2008, Chính phủ Việt Nam phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia về BĐKH (NTPRCC), xác định các tác động của BĐKH là một nguy cơ đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, và đưa ra các hành động thích ứng nhằm ứng phó với các tác động này. Năm 2009, Quỹ Rockefeller đã chọn ra ba thành phố của Việt Nam là Cần Thơ, Đà Nẵng và Quy Nhơn để tham gia chương trình ACCCRN, cùng với 7 thành phố khác ở Thái Lan, Ấn Độ, và Indonesia. Chương trình cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực nhằm giúp chính quyền các thành phố lập kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH, cùng các hỗ trợ trong thực hiện hành động và các hoạt động nghiên cứu, học hỏi. Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET) được chọn để phụ trách thực hiện chương trình ACCCRN tại Việt Nam.
Sau bảy năm thực hiện chương trình ACCCRN, ba thành phố Cần Thơ, Đà Nẵng và Quy Nhơn đã ghi nhận những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực thích ứng và chống chịu với BĐKH ở đô thị. Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình ACCCRN, một văn phòng Điều phối về BĐKH đã được thành lập ở mỗi thành phố, trở thành đơn vị đầu tiên ở địa phương chịu trách nhiệm điều phối công tác lập kế hoạch chống chịu và các can thiệp với các sở ngành chuyên môn khác của chính quyền địa phương, cũng như việc thu thập và phân tích các số liệu về BĐKH. Với sự hỗ trợ của ISET và tài trợ của Quỹ Rockefeller, ba thành phố này đã xây dựng các dự án về quản lý ngập lụt, hệ thống cảnh báo sớm, quản lý sạt lở bờ sông, nhà ở chống chịu với bão lũ, và nhiều sáng kiến khác nhằm giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước các tác động của BĐKH, rút ra từ một quá trình lập kế hoạch và xác định ưu tiên được thực hiện một cách kỹ lưỡng dựa trên đòi hỏi của thực tiễn.
Theo ông Phan Cao Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tại hội thảo, một thách thức trong việc chống chịu với BĐKH ở tỉnh Bình Định là “giải quyết hài hoà giữa các phát triển trước mắt và lâu dài để vì mục tiêu phát triển bền vững”.
TS. Michael DiGregorio, Trưởng Đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam cũng nhận định: “Các tỉnh và thành phố thường phải dựa vào trung ương và thường không thể đưa ra nhận định hay có thẩm quyền làm khác với các tiêu chuẩn đã định, cũng không có đủ các nghiên cứu hỗ trợ.”
Là đơn vị điều phối cấp quốc gia của chương trình ACCCRN tại Việt Nam, ISET đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác ở cấp tỉnh/thành phố, điều phối các nỗ lực về chống chịu với BĐKH với các bộ ngành, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, và các các nhân và tổ chức khác nhằm đối phó với những thách thức kể trên. Với sự tham gia của đại diện các đơn vị và cá nhân này, hội thảo là một cơ hội giúp các bên tăng cường trao đổi học hỏi lẫn nhau, và góp phần thúc đẩy các quá trình xây dựng chính sách ở quốc gia và địa phương.
Bà Ngô Thị Lệ Mai, Điều phối viên Quốc gia của ISET tại Việt Nam đã nhấn mạnh: “Một yếu tố quan trọng trong phương pháp của ISET khi thiết kế chương trình ACCCRN tại Việt Nam là việc tập trung huy động sự tham gia và xây dựng năng lực cho địa phương thông qua quá trình trực tiếp tham gia của các đối tác ở địa phương—hay quá trình ‘học hỏi thông qua thực hành’—nhờ đó các tác động của ACCCRN sẽ không bị hạn chế bởi khung thời gian hay ngân sách, tạo đà cho các hành động ở cấp địa phương và quốc gia, và hỗ trợ quá trình xây dựng các chính sách trong tương lai. Điều này là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh bất định của BĐKH và phát triển đô thị ở Việt Nam. Tuy nguồn tài trợ đã kết thúc, nhưng những công việc và tầm ảnh hưởng của chương trình ACCCRN ở Việt Nam sẽ tiếp tục lan tỏa ở ba thành phố ACCCRN và xa hơn nữa.”
Về ISET:
Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET-Quốc tế) phối hợp với các đối tác ở địa phương để xây dựng khả năng chống chịu và thúc đẩy quá trình thích ứng với những thay đổi về môi trường và xã hội. Chúng tôi tập trung chủ yếu vào chiến lược đối phó với những thách thức cơ bản mà những thay đổi này gây ra với các nhóm đối tượng bị gạt ra lề và không có đủ nguồn lực để thích ứng. Công việc của chúng tôi là sự kết hợp giữa kiến thức khoa học với sự tham gia của địa phương, kiến thức địa phương và quá trình chia sẻ học hỏi để xác định ra các chiến lược thực tiễn ở cấp địa phương và hỗ trợ xây dựng các kiến thức có thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. ISET đã xây dựng nền tảng phương pháp luận mà các đối tác ACCCRN ở cấp quốc gia và địa phương đã và đang áp dụng, nhằm nắm bắt các tác tác động của BĐKH, tình trạng dễ bị tổn thương, và lập kế hoạch chống chịu. Để tìm hiểu thêm, xin truy cập www.i-s-e-t.org.
Để biết thêm thông tin về chương trình ACCCRN, xin liên hệ info@i-s-e-t.org.
Xem thêm bài viết trên Báo Vietnam News tại: http://vietnamnews.vn/society/346885/urban-resilience-undermined.html
Xem Chương trình Việt Nam – Góc nhìn của bạn về chương trình ACCCRN và hội thảo này do VTC10 thực hiện tại: http://netvietvtc10.com/chuong-trinh/11424/sharing-vietnam-30-11-2016
(Nguồn: ISET-Việt Nam)