Đô thị ven biển dễ tổn thương

(Xây dựng) – Biến đổi khí hậu có biểu hiện ngày càng bất thường tại các đô thị ven biển. Song vấn đề mấu chốt là hầu hết các đô thị ven biển của Việt Nam chưa có quy hoạch phát triển đô thị lồng ghép với đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.

102127baoxaydung_do_thi_ven_bien_de_ton_thuong1Theo “Nghiên cứu và xây dựng mô hình đô thị ven biển có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu” của GS.TS Mai Trọng Nhuận, dải đô thị ven biển của Việt Nam đang đứng trước trước nguy cơ nước biển dâng, biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ven biển Việt Nam có hai nhóm đô thị đó là: Đô thị sơn-thuỷ (Hạ Long, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang…) và đô thị thuỷ (Hải Phòng, Hội An, TP. HCM, Rạch Giá…). Hai nhóm đô thị này khác nhau về điều kiện tự nhiên, mức độ nhạy cảm, khả năng thích ứng, tổn thương do biến đổi khí hậu, thiên tai và đô thị hóa.

Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất trong cấu trúc không gian đô thị biển so với các loại đô thị khác là mảng màu nổi bật của không gian chứa đựng các yếu tố tài nguyên du lịch biển (bãi tắm, đảo, hang động, các hệ sinh thái biển và các di tích, thắng cảnh ven biển,…) và các không gian dịch vụ du lịch, là không gian phục vụ cho các hoạt động khai thác tài nguyên đó (không gian khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí,…). Tuy nhiên, ở cả hai mảng không gian này, tại nhiều đô thị biển, đang bị khai thác mất cân đối, thậm chí còn thái quá, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các đô thị này.

Ở Việt Nam, hầu hết các đô thị có tiềm năng du lịch biển ở qui mô quốc gia, cũng là nơi tập trung nhiều thế mạnh tiềm năng khác như: Cảng biển, hải sản, vật liệu xây dựng hay dầu khí… Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu… là những đô thị điển hình cho sự giàu có đó. Quá nhiều thế mạnh trong một đô thị ven biển thường là tiền đề cho một chiến lược phát triển đô thị đa chức năng. Nhưng việc xác định chiến lược phát triển đô thị trong một điều kiện nhiều ưu đãi của tự nhiên, nhiều khi lại trở thành thách thức lớn bởi sẽ phải đối mặt với sự suy giảm về chất lượng tài nguyên và môi trường do tranh chấp không gian sử dụng giữa các ngành kinh tế… Và, vì thế chất lượng sống của người dân đô thị ven biển cũng như khách du lịch sẽ bị đe dọa trầm trọng.

Không chỉ có thế, nhìn lại bức tranh phát triển của một số đô thị biển ở Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rõ hơn những thách thức của các đô thị biển trên con đường phát triển bền vững. Đó là tình trạng lãng phí đất ven biển (hoặc khai thác quá tải khu vực ven biển); tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển; những nguy cơ chưa được tính đến bởi tác động của biến đổi khí hậu hay các tác động tiêu cực khác…

Chẳng hạn, TP Hạ Long, đô thị du lịch di sản đã trở thành một bài học điển hình cho việc khai thác tài nguyên manh mún và thiếu tầm nhìn. UNESCO đã nhiều lần cảnh báo về việc Hạ Long sẽ mất đi danh hiệu di sản vì những dấu hiệu báo động về chất lượng môi trường. Đáng quan ngại là tầm nhìn ra vịnh Hạ Long bị các công trình xây dựng che khuất quá nhiều. Tại đây, nhiều quả đồi đã biến thành đồi trọc, nhiều thảm thực vật và nhiều loại động vật có nguy cơ biến mất, đất liền đang tiến dần ra biển để đô thị hóa dần các hòn đảo nguyên sơ của vịnh Hạ Long. Và sức sống của một đô thị du lịch này trong tương lai sẽ rất “mỏng manh” nếu như các nhà quản lý và hoạch định không đưa ra được những khẳng định đối với việc đảm bảo cho chất lượng của môi trường biển trong thời gian sắp tới trước sức ép của các ngành kinh tế khác.

Rõ ràng, quá trình quy hoạch và đầu tư phát triển các đô thị ven biển Việt Nam đã xuất lộ rất nhiều thách thức trong quá trình thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu cơ bản là phát triển bền vững. Với những bài học đã trải qua, được nhìn nhận một cách khách quan và phân tích nguyên nhân một cách thấu đáo, hy vọng, các nhà hoạch định và quản lý đô thị sẽ có những chiến lược, giải pháp đồng bộ và hiệu quả để giải quyết một cách chủ động và triệt để những thách thức cũ và mới trong quá trình phát triển đô thị biển bền vững.v

Ngọc Lý

Đăng lại từ trang Báo Xây Dựng

This entry was posted in Climate Change, urban planning, Urban resilience, Vietnamese / Tiếng Việt and tagged , , , , , , , , . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s