Tìm “cẩm nang” cho Quy Nhơn và vùng phụ cận

Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng như những hạn chế, bất cập trong quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị đã ảnh hưởng đến tình hình ngập lụt ở TP Quy Nhơn và vùng phụ cận. Tại Hội thảo “Quản lý rủi ro ngập lụt trong phát triển đô thị ở TP Quy Nhơn và vùng phụ cận”, do Sở Xây dựng vừa tổ chức, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã phân tích, làm rõ nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp khắc phục…

Ngập lụt: Đâu chỉ do BĐKH

Theo Th.S Huỳnh Cao Vân – đại diện nhóm nghiên cứu (NNC) thuộc Văn phòng Điều phối về BĐKH tỉnh Bình Định – do tác động của BĐKH, tình hình lũ lụt, ngập úng vùng hạ lưu sông Côn và sông Hà Thanh ngày càng nghiêm trọng, mức độ ngập lụt ngày càng tăng, thời gian ngập úng kéo dài. Tiêu biểu như đợt mưa lũ xảy ra vào tháng 11.2009, riêng địa bàn phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) đã có gần 4.500 nhà bị hư hại, thiệt hại khoảng 80 tỉ đồng; phường Nhơn Bình thiệt hại trên 200 tỉ đồng…

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ngập lụt ở TP Quy Nhơn và vùng phụ cận là do những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị. Đó là việc xây dựng các công trình trường học, cụm công nghiệp, trong khi chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề tiêu úng thoát lũ, làm cản trở dòng chảy. Bên cạnh đó, hầu hết các công trình tiêu úng thoát lũ xây dựng không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; nhiều trục tiêu úng thoát lũ bị đổ phế thải gây bồi lấp, nhiều đoạn sông còn bị người dân đổ đất cơi nới nhà cửa.

KTS Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), cũng cho rằng: Dù những rủi ro từ BĐKH chưa có biểu hiện rõ ràng nhưng tác động của đô thị hóa ở TP Quy Nhơn đến tình hình lũ lụt thì rất rõ, nhất là những khu vực trũng thấp. Bên cạnh đó, dù đã được quy hoạch, song trên địa bàn thành phố vẫn còn xảy ra tình trạng cấp phép các công trình xây dựng lấn vào không gian thoát lũ, lấn chiếm không gian trữ nước. Có thể thấy, tỉnh Bình Định không chỉ thiếu những giải pháp quản lý rủi ro ngập lụt, mà còn thiếu các công cụ và hành lang pháp lý trong việc thực thi công tác quy hoạch phát triển đô thị.Tuy nhiên, theo TS Trần Văn Giải Phóng, Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET), tình trạng ngập lụt ở TP Quy Nhơn là do trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng nằm trong vùng thoát lũ, trữ lũ; đường bộ thì nâng cao, xây mới làm cản trở dòng lũ; các cầu mới không đủ khẩu độ để thoát lũ. Bên cạnh đó, việc xây dựng mới các tuyến đường giao thông, các khu đô thị, khu công nghiệp chưa đồng bộ với việc tiêu thoát lũ, càng làm trầm trọng hơn vấn đề ngập úng ở hạ du và trung du. Trong khi đó, thành phố chưa xây dựng bản đồ ngập lụt ở vùng hạ du nên còn bị động trong cảnh báo, ứng phó. Thậm chí, nếu một trận lũ giống như năm 2009 xảy ra, tình trạng ngập lụt và mức độ thiệt hại đối với TP Quy Nhơn sẽ còn nặng nề hơn.

Giải pháp để quản lý rủi ro

Tại Hội thảo “Quản lý rủi ro ngập lụt trong phát triển đô thị ở TP Quy Nhơn và vùng phụ cận”, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm hạn chế tác hại của lũ lụt đối với TP Quy Nhơn và vùng phụ cận.

Theo TS Trần Văn Giải Phóng, TP Quy Nhơn và vùng phụ cận cần tăng cường bảo vệ, tái tạo không gian dành cho nước; sử dụng công cụ quản lý và dự báo lũ lụt trực tuyến giúp dự báo mực nước, khả năng tiêu thoát nước; đưa ra các cảnh báo sớm và chính xác hơn ở các vùng dễ bị ngập; lập kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp hiệu quả hơn; phân tích khả năng trữ nước ở các hồ chứa và vùng hạ du… Đồng thời, trong quy hoạch phát triển đô thị, cần có không gian dành cho nước và hạn chế các công trình, dự án lấn chiếm không gian của nước. Ngoài ra, địa phương cũng cần quan tâm quản lý việc chọn địa điểm xây dựng, phát triển đô thị; quản lý mật độ xây dựng và có biện pháp ngăn lũ lụt ở những vùng trũng, thấp.

Quy Nhon2

Nhà đa năng phòng tránh lũ lụt được Văn Phòng Công tác về BĐKH tỉnh Bình Định xây dựng tại phường Nhơn Phú

Ý kiến của Th.S Huỳnh Cao Vân là TP Quy Nhơn và vùng phụ cận cần xây dựng, phát triển đô thị theo đúng quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, khu vực 2 phường Nhơn Bình, Nhơn Phú nằm trong quy hoạch khu trung tâm động lực mới và được xác định phát triển theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, tạo hành lang thoát nước an toàn trên các nhánh sông Hà Thanh; hình thành đô thị sinh thái, trung tâm dịch vụ đô thị, văn hóa – giải trí có cảnh quan phù hợp với khung cảnh thiên nhiên; khuyến cáo các khu xây dựng tại vị trí cửa sông ra đầm Thị Nại phải thực hiện các biện pháp an toàn khi có lũ…

Theo KTS Phạm Thị Nhâm, TP Quy Nhơn cần phát triển theo hướng đa trung tâm và sử dụng hệ thống giao thông kết nối các trung tâm. Vùng giáp vịnh Quy Nhơn nên phát triển du lịch, dịch vụ hành chính, thương mại cao cấp; còn vùng đồng bằng Tuy Phước và đầm Thị Nại không nên phát triển đô thị và phải có khoảng cách tối thiểu 50 m ở mỗi bên đường giao thông để duy trì hành lang thoát lũ. Các vùng dân cư nông thôn ở Tuy Phước nên hạn chế mật độ xây dựng tập trung mà cần phân tán ra các phân khu nhỏ lẻ, bố trí theo hướng Đông – Tây. Về giao thông, Tuy Phước không nên biến các tuyến đường trở thành các con đê mà cần đảm bảo thoát nước ở bên dưới, nhằm tăng cường thoát lũ. Tỉnh Bình Định cần xây dựng hành lang pháp lý theo hướng đa ngành, nhất là với các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, giao thông…

(Đăng lại từ website Baobinhdinh online)

This entry was posted in Climate Change, disaster risk reduction, flood management, urban planning, Vietnamese / Tiếng Việt and tagged , , , , , , . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s