Hơn 100 đại biểu làm việc trong lĩnh vực biến đổi khí hậu (BĐKH) và lãnh đạo các thành phố trong Mạng lưới các Thành phố Châu Á có Khả năng Chống chịu với BĐKH (ACCCRN) đã hội tụ tại Semerang, Indonesia để cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được, đánh giá lại các thách thức, cùng nhau hướng đến tương lai và tìm kiếm cách thức mới để cải thiện hơn nữa khả năng chống chịu với BĐKH cho các thành phố trong mạng lưới thông qua Diễn đàn Chia sẻ Học hỏi của Mạng lưới ACCCRN. Sự kiện do Quỹ Rockefeller Foundation và tổ chức Mercy Corps Indonesia tổ chức trong hai ngày.
Đến tham dự Hội thảo từ nhiều thành phố khác nhau ở Châu Á và trên toàn thế giới, các đại biểu sẽ chia sẻ những kiến thức tích lũy được cũng như các cách thức đã được áp dụng và thảo luận sâu hơn để tăng cường hơn nữa khả năng chống chịu với BĐKH cho các thành phố.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ashvin Dayal, Phó Chủ tịch kiêm Giám Đốc Quản lý Quỹ Rockefeller Foundation tại Châu Á cho biết “Đây là cơ hội để chia sẻ, nhìn lại những gì chúng ta đã làm và cùng tiến về phía trước”. Ông cũng nhấn mạnh thêm “Chúng ta có nhiều sai sót, những cũng đạt được nhiều thành công”. Ông cho rằng, các quốc gia trong mạng lưới đã cùng học hỏi và đóng góp xây dựng các khái niệm về khả năng chống chịu ở đô thị cũng như cùng nhau hành động áp dụng những khái niệm đầy thách thức này vào thực tiễn tại các nước.
Sáng kiến ban đầu đã phát triển thành một mạng lưới có khả năng chống chịu với BĐKH tại đô thị (UCCR) vững mạnh với sự tham gia của các chuyên gia, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực được quản lý bởi các đầu mối quan trọng đặt tại các nước gồm Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, và Indonesia và gần đây có thêm Bangladesh và Philippine.
Có nhiều tổ chức đã tham gia xây dựng sáng kiến và đa số họ đều có mặt tại diễn đàn này. Hiện nay nỗ lực sẽ tập trung vào việc mở rộng mô hình và áp dụng vô số các bài học kinh nghiệm, kỹ năng đã đạt được cho các quốc gia trong mạng lưới.
Trong bài diễn văn chủ đạo tại hội thảo, bà Jo Da Silva, Giám đốc Tổ chức Phát Triển Quốc tế ARUP nhấn mạnh cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để tăng cường khả năng chống chịu tại đô thị ở cả các nước Châu Á và các khu vực khác trên thế giới. Bà cho rằng kể từ khi mạng lưới ACCCRN ra đời 9 năm trước, quy mô hoạt động về BĐKH và xây dựng khả năng chống chịu tại đô thị chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế.
Năm 2007, khi những cuộc thảo luận đầu tiên về mối quan hệ mật thiết giữa BĐKH và đô thị hóa diễn ra tại Quỹ Rockefeller Foundation, bà Da Silva đã nói nhiều người xem BĐKH là “vấn đề mà mọi người nghĩ rằng có thể giải quyết được” đặc biệt thông qua cắt giảm khí thải nhà kính.
Thảm họa thiên nhiên như Bão lốc Katrina tại Mỹ hay Siêu bão Haiyan tại Philipine cùng với sự lớn mạnh của các cơ quan chuyên về nghiên cứu là cơ sở để việc thích ứng và khả năng chống chịu với BĐKH ở đô thị trở thành vấn đề được quan tâm và ngày càng phát triển.
“UCCR được thành lập bởi ACCCRN và là một phần của sự chuyển đổi tiêu biểu đang diễn ra trên toàn cầu, đó chính là sự cần thiết phải thích ứng với các nguy cơ của BĐKH”, bà Da Silva phát biểu.
Bà Da Silva cũng đề cập đến vai trò tiên phong của ACCCRN khi nhìn nhận các thành phố như một hệ thống. Chính điều này đã khuyến khích chính phủ các quốc gia cũng như chính quyền địa phương không còn nhìn vấn đề phát triển đô thị như “những con đường và các điểm giao cắt”, và thúc giục các thành phố ở Châu Á cùng phối hợp với nhau để “con người có thể cùng chung sống chứ không phải là loại bỏ thiên nhiên”
Bài phát biểu của bà nhấn mạnh cách mà ACCCRN đã chứng minh giá trị của việc “học thông qua làm” bằng cách “phá vỡ mọi rào cản” của các phương pháp tiếp cận chính thống trong quy trình quản lý tại địa phương. Được Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển mô tả là “Quản lý sự thích ứng”, ACCCRN đã hỗ trợ chính quyền các địa phương tận dụng nguồn lực sẵn có để thích ứng tốt hơn với áp lực về BĐKH.
Với chương trình Mục tiêu Phát triển Bền vững và Chương trình Đô thị Mới sẽ được khai trương trong năm nay, sẽ có nhiều cơ hội tài trợ dành cho các quốc gia thành viên từ một số tổ chức như Quỹ Ủy thác Tăng cường Khả năng Chống chịu với BĐKH ở Đô thị do Ngân hàng Châu Á (ADB) và Quỹ hoạt động về BĐKH Quốc tế của DFID quản lý.
(Dịch và đăng lại từ ACCCRN Website)