Tăng cường sự liên kết của địa hạt ‘đô thị’ và ‘khí hậu’: Đào tạo về Chống chịu với Biến đổi Khí hậu ở Đô thị cho các cán bộ chuyên môn ở Việt Nam

Trước những thiệt hại to lớn của các hiện tượng thiên tai bất thường trong thời gian qua, các tỉnh và thành phố của Việt Nam, dù là những địa phương duyên hải, đồng bằng châu thổ hay đồi núi và cao nguyên, đang ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về những hiểm nguy từ BĐKH. Tuy nhiên, các nhà quy hoạch, nghiên cứu và xây dựng chính sách ở các đô thị này vẫn chưa hiểu biết một cách thấu đáo về các giải pháp ứng phó với BĐKH trong quá trình phát triển đô thị. Vấn đề này đang trở nên rõ nét hơn qua kết quả của các dự án thuộc chương trình Mạng lưới các Thành phố Châu Á có Khả năng Chống chịu với BĐKH (ACCCRN) cũng như nhiều dự án khác về BĐKH được thực hiện tại các thành phố của Việt Nam trong những năm qua.

An Van Duong New Urban Area, Thua Thien Hue Province

Khu đô thị mới An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế

Công tác quy hoạch và phát triển của các thành phố thường chưa cho thấy quan điểm rõ ràng về khả năng chống chịu với BĐKH. Ở cả cấp quốc gia và địa phương, mối liên hệ giữa lũ lụt, nước biển dâng và phát triển đô thị mới đang bắt đầu hiện ra rõ nét hơn.

Trong khuôn khổ dự án thuộc chương trình ACCCRN tại Việt Nam, Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET)Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị (VUPDA) đang phối hợp với nhiều đối tác tại Việt Nam nhằm cải thiện tình trạng này. Ý tưởng của dự án là thúc đẩy và tạo tính bền vững cho quá trình xây dựng kiến thức, năng lực về công tác quy hoạch phát triển đô thị chống chịu với BĐKH cho đội ngũ các nhà chuyên môn công tác trong lĩnh vực đô thị thông qua việc xây dựng nội dung, tổ chức đào tạo, qua đó giúp tạo mối liên kết giữa hai địa hạt kiến thức hiện còn khá tách biệt này.

Tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2015, dự án đã:

Thực hiện đánh giá nhu cầu đào tạo, nguồn lực và kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực Chống chịu với BĐKH ở Đô thị tại Việt Nam. Nghiên cứu này giúp tìm ra được các trường đại học đã có kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về lĩnh vực này, và các kinh nghiệm chuyên môn hoặc tài liệu đã có, có thể sử dụng làm nghiên cứu điển hình, tạo cơ sở cho việc thiết kế một bộ tài liệu đào tạo cho các kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị về chủ đề chống chịu với BĐKH.

Infographic VUPDA training VNM

(Nhấn vào ảnh để xem bản pdf)

Hoàn thành xây dựng bốn nghiên cứu điển hình để áp dụng trong nội dung giảng dạy cùng đề cương về các bài tập liên quan trên lớp, xây dựng một chương trình đào tạo gồm 10 bài giảng với các bài tập và hoạt động đi kèm, và tổ chức một loạt khóa đào tạo 4 ngày tại 06 thành phố trên cả nước. Các bài giảng và nội dung hoạt động trên lớp đều do các chuyên gia đã tham gia xây dựng bài giảng và nghiên cứu điển hình nói trên thực hiện. Trong cả sáu khóa đào tạo này, số lượng cán bộ tham dự đều cao hơn dự kiến, cho thấy nhu cầu đào tạo là rất lớn, đặc biệt là đối với cán bộ các sở ngành ở địa phương.

Rà soát và cải thiện chất lượng các bài giảng sau mỗi khóa đào tạo dựa vào ý kiến đóng góp của học viên. Bộ tài liệu đào tạo và các trường hợp nghiên cứu có thể tải về theo đường link ở đây.

Cung cấp tài liệu các khóa đào tạo, tài liệu đọc thêm và các nghiên cứu điển hình cho các trường đại học đối tác (Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Xây dựng Miền Tây, Học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học Xây dựng Miền Trung, và Đại học Yersin Đà Lạt) để sử dụng trong chương trình giảng dạy. Tất cả các trường đại học tham gia đều bày tỏ sự quan tâm trong việc sử dụng nội dung tài liệu trong chương trình đào tạo chuyên ngành quy hoạch, Kiến trúc, Quản lý đô thị và Xây dựng đô thị, tùy theo điều kiện áp dụng của từng trường, có thể là môn học băt buộc hoặc tự chọn hoặc các chuyên đề.

Tổ chức một hội thảo tổng kết hoạt động đào tạo vào ngày 5/6/2015, với sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường Đại học.

Hội thảo tổng kết hoạt động đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh 5/6/2015

Hội thảo tổng kết hoạt động đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh 5/6/2015

Hội thảo đã nhận được những ý kiến đóng góp rất giá trị về các bước tiếp theo: Các đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của dự án trong việc xây dựng các nội dung đào tạo có chất lượng, phù hợp với nhu cầu hiện tại về xây dựng năng lực cho đội ngũ chuyên môn về đô thị trong lĩnh vực chống chịu với BĐKH. Chương trình đào tạo được đánh giá là đã tạo cơ sở tốt cho việc xây dựng giáo trình đào tạo về chuyên ngành quy hoạch và kiến trúc đô thị trong các trường đại học. Một số bài giảng đã được các trường lồng ghép vào một số môn học có liên quan.

Hiện theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường cần rà soát lại chương trình đào tạo để đưa vào nội dung về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, phù hợp với từng trường về mức độ chuyên sâu và thời lượng. Tuy nhiên, để đưa các nội dung vào chương trình đào tạo, cần tiếp tục hoàn chỉnh tài liệu và xây dựng thành một giáo trình với thời lượng khoảng 30 tiết để các trường có cơ sở lựa chọn đưa vào chương trình đào tạo của mình, phù hợp với quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong tài liệu cần làm rõ ảnh hưởng của BĐKH đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật như cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, thoát nước và các giải pháp tạo khả năng chống chịu với BĐKH.

Để tiếp nối các nỗ lực này của dự án, đơn vị tổ chức đào tạo đang tiến hành phát triển các tài liệu đào tạo thành một bộ giáo trình bằng tiếng Việt dành cho các khóa đào tạo nâng cao trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị. Đây là một bước đi quan trọng để các nội dung đào tạo được Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, hướng tới trở thành một yêu cầu chuẩn hóa trong công tác đào tạo chuyên môn về kiến trúc và quy hoạch đô thị trên cả nước, đưa kiến thức về chống chịu với BĐKH ở đô thị thành một phần không thể thiếu đối với đội ngũ chuyên môn các thế hệ kế tiếp, những người sẽ tiếp tục thiết kế và xây dựng các các đô thị của chúng ta trong tương lai.

PGS. TS. Đỗ Hậu – VUPDA, Nguyễn Anh Thơ & Ngô Phương Thanh – ISET-Việt Nam

This entry was posted in Climate Change, urban planning, Vietnamese / Tiếng Việt and tagged , , , , , . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s