Chương trình Sáng kiến thanh niên Thích ứng với Biến đổi khí hậu (AYIP) do tổ chức Challenge to Change (CtC) triển khai trong giai đoạn 2012-2013 là một dự án độc đáo.
Là một phần trong Mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chịu với Biến đổi khí hậu (ACCCRN), AYIP được triển khai tại ba thành phố Đà Nẵng, Quy Nhơn và Cần Thơ. Lần đầu tiên thanh niên tại các đô thị đóng góp vào Kế hoạch Hành động Thích ứng với BĐKH của thành phố bằng cách xây dựng đề án và yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật cũng như tài chính để thực hiện ý tưởng của mình. Đáp ứng lời kêu gọi của CtC từ đầu năm 2012, đã có gần 60 đề án được gửi về, thể hiện sự quan tâm của thanh niên địa phương tới vấn đề BĐKH và tác động tiềm ẩn tới cộng đồng nơi họ sinh sống. Các đề án này đề xuất nhiều hoạt động cụ thể, đa dạng như đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương cho một cộng đồng cụ thể, đề xuất một mô hình thích ứng mới trong nông nghiệp hoặc nghiên cứu tìm hiểu một hiện tượng mới.
Phối hợp cùng các đối tác ACCCRN, đặc biệt là ba Văn phòng Điều phối Biến đổi khí hậu (CCCOs) và Đoàn thanh niên các địa phương, CtC đã lựa chọn được 12 Sáng kiến và cung cấp những hỗ trợ cần thiết để 12 nhóm thanh niên triển khai theo kế hoạch họ đặt ra.
Để hỗ trợ thông tin về việc làm cụ thể của thanh niên trong việc xây dựng năng lực thích ứng với BĐKH cho khu vực đô thị, CtC đã phối hợp cùng các nhóm thanh niên thực hiện video giới thiệu về từng dự án. Vui lòng tham khảo danh sách về 12 dự án thuộc khuôn khổ AYIP dưới đây:
Đà Nẵng
- Thanh niên hỗ trợ nông dân tại khu vực đô thị áp dụng phương pháp trồng rau thủy canh thích nghi với điều kiện thu hẹp diện tích đất sản xuất và thiếu rau sạch (video)
- Thanh niên lồng ghép nội dung về Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai và Thích ứng với Biến đổi khí hậu vào chương trình học thông qua đội ngũ giáo sinh trẻ (video)
- Thanh niên tổng hợp kinh nghiệm thích ứng với thay đổi của thiên tai và khí hậu của ngư dân địa phương vào một cuốn Sổ tay đi biển (video)
- Thanh niên thực hiện một bộ phim ngắn để thể hiện cách hiểu của họ về Biến đổi khí hậu (video). Phim của nhóm dự án nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả, gồm thanh niên tại TP, các nhà tài trợ tiềm năng về BĐKH và các tổ chức phi chính phủ quan tâm đến lĩnh vực này.
- Thanh niên dự báo rủi ro của hiện tượng Thủy triều đỏ trong mối liên hệ với Biến đổi khí hậu (video)

Vườn rau thủy canh do thanh niên Sở Khoa học Công nghệ TP Đà Nẵng hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân triển khai
Quy Nhơn
- Thanh niên nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi thích ứng cho người dân địa phương (video)
- Thanh niên hình thành một mạng lưới chia sẻ thông tin về các Sáng kiến thanh niên Thích ứng với Biến đổi khí hậu (video)
- Thanh niên hỗ trợ người dân địa phương xử lý nước nhiễm mặn để sử dụng trong sinh hoạt (video)
- Thanh niên thử nghiệm các giống rau có khả năng đảm bảo thực phẩm cho người dân trong trường hợp bão lũ khẩn cấp (video)

Sinh viên và giảng viên khoa Hóa, trường Đại học Quy Nhơn, thu thập mẫu nước sinh hoạt để kiểm tra độ mặn tại từng hộ dân
Cần Thơ
- Thanh niên truyền thông về Biến đổi khí hậu tới sinh viên người dân tộc Khmer (video)
- Thanh niên hỗ trợ nông dân tại khu vực đô thị thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ ngầm vùng bán ngập (video)
- Thanh niên thiết kế và lắp đặt mô hình thu nước mưa – làm mát mái nhà (video)

Sinh viên ngành Nông nghiệp và Môi trường tại trường Đại học Cần Thơ hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ ngầm tại vùng bán ngập
Từng Sáng kiến đã cho thấy ưu tiên của thế hệ trẻ về vấn đề liên quan đến BĐKH cần được giải quyết, và cách để họ giải quyết vấn đề đó. Nếu thông tin về BĐKH còn thiếu, các nhóm khác nhau trong xã hội chưa tiếp cận và chưa sử dụng được trong đời sống của họ thì thanh niên lập các trang thông tin trên mạng, làm phim, tổ chức dạy học, tới từng hộ dân trò chuyện và ghi chép lại các câu chuyện về kinh nghiệm thích ứng của người dân. Nếu nhiệt độ gia tăng vào mùa hè khiến người dân nghèo sống trong các ngôi nhà mái tôn bị ảnh hưởng trong sinh hoạt và sức khỏe, thì thanh niên nghĩ cách thiết kế một mô hình có thể lắp trên mái nhà, thu nước mưa và phun nước làm mát mái. Có ý tưởng thanh niên trực tiếp vận dụng kiến thức họ học từ trường đại học và kinh nghiệm làm việc để đề xuất: sinh viên Hóa học tại Quy Nhơn giúp người dân xử lý nước nhiễm mặn, sinh viên Nông nghiệp tại Cần Thơ xây dựng mô hình ủ phân hữu cơ ngầm, cán bộ Sinh học tại Đà Nẵng hướng dẫn người dân pha chế dung dịch trồng rau thủy canh. Có cả những ý tưởng rất độc đáo như dự kiến về hiện tượng tảo đỏ nở do thay đổi nhiệt độ và dòng hải lưu ở biển, tác động tới đời sống, du lịch và ngư nghiệp của địa phương. Có ý tưởng lại coi trọng tình trạng dễ bị tổn thương trước đô thị hóa và BĐKH của người dân tộc thiểu số, như người dân tộc Khmer, và tiếp cận tới họ thông qua thế hệ con em đang học tập trong trường đại học.
Điểm đặc biệt tiếp theo của dự án AYIP đó là lần đầu tiên các đối tác trong chương trình ACCCRN có một cơ chế để làm việc với thanh niên như một đối tượng tích cực trong quần chúng, một mặt đóng vai trò là người hướng dẫn thanh niên trong quản lý và triển khai từng dự án, mặt khác là đối tác chiến lược cho hoạt động lâu dài liên quan đến BĐKH. Qua AYIP, những thực hành từ trước tới nay của nhà khoa học, các chuyên gia về quy hoạch đô thị và BĐKH, và những người hoạch định chính sách có thêm góc nhìn mới mẻ và phù hợp của thanh niên. Mới mẻ bởi thanh niên có khả năng hiểu và diễn giải ngôn ngữ khoa học và chính sách về BĐKH một cách đơn giản hơn, dưới những góc nhìn thực tế phản ánh qua quan sát và mong muốn của họ để giải quyết các vấn đề họ tiếp nhận qua cuộc sống hằng ngày, học tập hoặc công việc. Phù hợp bởi khi BĐKH thể hiện những tác động rõ ràng hơn, tiêu cực hơn trong tương lai trung và dài hạn, thì lúc đó chính thanh niên ngày nay sẽ là những người trực tiếp chịu trách nhiệm hành động và ra quyết định. Do đó thông qua thể hiện góc nhìn hiện tại của họ về tương lai của đô thị, các chương trình dự án phát triển liên quan tới BĐKH có thêm thông tin và cơ sở để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng dễ bị tổn thương.
Lắng nghe ý kiến của các chuyên gia từ Văn phòng Điều phối BĐKH, tổ chức Challenge to Change, tổ chức ISET, và các tổ chức ban ngành, trường đại học, phi chính phủ khác về kinh nghiệm của họ khi làm việc với thanh niên thông qua AYIP ở video tổng quan về dự án, tại đây.
Dự án cũng được ghi nhận như một ví dụ thành công ở cả cấp địa phương và quốc tế, được trình bày tại hai Hội nghị Quốc tế về Thích ứng với Biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng năm 2012 và 2014; xuất hiện trong nghiên cứu điển hình của UN-HABITAT và Bộ công cụ Vận động chính sách, thuộc chương trình Tiếng nói các Quốc gia phương Nam về BĐKH. Xem thêm phỏng vấn của Đài Truyền hình Việt Nam về dự án tại đây.
Mọi thông tin liên quan, xin vui lòng liên hệ Vũ Mỹ Hạnh, Quản lý dự án, myhanh@challengetochange.org hoặc hanh.vumy@gmail.com
Pingback: Youth participate in building climate resilience in urban areas | Flowing Writer